Ngoài ra, dụng cụ mới này còn có sự hỗ trợ của chẩn đoán hình ảnh và định vị nên quá trình thao tác trong phẫu thuật được kiểm soát tốt, phẫu thuật viên biết được dụng cụ có “va chạm” hay ảnh hưởng đến các tổ chức lành khác hay không, nhờ đó tăng độ an toàn cho cuộc mổ. Định vị còn giúp bác sĩ tìm được tế bào xoang ở các ngách, cho phép chỉ lấy đi tổ chức viêm, niêm mạc lành để lại, giảm tổn thương, sau đó chính niêm mạc lành sẽ phát triển phủ lên hốc mổ giúp thời gian lành vết mổ nhanh hơn.
Cũng theo PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh, thực tế cho thấy trước kia thời gian phẫu thuật nội soi lấy polyp mũi xoang thường kéo dài 2 - 3 tiếng, nhưng khi ứng dụng dụng cụ này thời gian giảm khoảng 1/2 - 2/3 so với cuộc mổ bằng dụng cụ cũ.
Ngoài ứng dụng trong phẫu thuật viêm mũi xoang có polyp, hệ thống dụng cụ mới này còn ứng dụng được trong phẫu bệnh điều trị bệnh lý về tai.
PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh lưu ý, điều trị bệnh lý mũi xoang người bệnh cần kiên trì, không được chủ quan, ngay khi có triệu chứng của bệnh cần sớm đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị đúng cách. Đối với bệnh viêm mũi xoang, ưu tiên vẫn là điều trị nội khoa, nếu không đáp ứng mới phẫu thuật. Viêm xoang mũi có thể gây biến chứng vào ổ mắt, vào não... Trường hợp viêm xoang mũi cấp thì phải ưu tiên điều trị tây y để tránh những biến chứng nặng nề.
(Theo Thanh niên)