Theo Bộ Y tế, hiện nay, còn rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện Trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. Trong số những bệnh mà con người mắc phải, có tới 80% là những chứng bệnh đơn giản, tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng mình sẽ đến trạm xá hay cơ sở y tế gần nhất, thậm chí có nhiều người còn lên tận bệnh viện tuyến trung ương để thăm khám. Đây chính là một vấn đề nhức nhối hiện nay trong khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Chính vì vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó, đào tạo nhân lực đang được coi là ưu tiên hàng đầu. Sở dĩ nó được ưu tiên hàng đầu không chỉ bởi vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực mà còn do những hạn chế, yếu kém của đội ngũ này tại các trạm y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để xây dựng mô hình trạm y tế điểm, cần có cơ chế chính sách đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo cán bộ y học cổ truyền, bổ sung kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đào tạo quản lý, vị trí việc làm, bổ sung kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở.
Nhằm tăng cường đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ. Theo đó, bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương về giúp năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh giúp cho tuyến huyện, tuyến huyện giúp cho trạm y tế xã.
Theo Bộ Y tế, với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm. Qua đó, các viên chức tại trạm sẽ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.
(Theo suckhoedoisong.vn)